Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm để thu dọn đồ đạc. Sau khi ăn sáng tại khách sạn, xe đưa cả đoàn đi tham quan làng gốm Bàu Trúc và làng dệt Mỹ Nghiệp trên đường về lại Sài Gòn.
Đây là những làng nghề văn hóa của người Chăm tại đất Ninh Thuận. Họ là những nghệ nhân đang bảo tồn di sản văn hóa, phục vụ chủ yếu cho mục đích du lịch. Con đường nhỏ dẫn lối đưa đoàn đến 1 ngôi nhà của 1 gia đình người Chăm. Họ nói tiếng Kinh khá sõi, nhưng khi giao tiếp trong gia đình họ chỉ dùng tiếng Khơ me (?!). Những cô gái Chăm với nước da đen ngăm và đôi mắt lá răm, chân mày đen dài dễ làm say đắm lòng người lắm.
Có 1 nghệ nhân trình diễn cách làm gốm cho chúng tôi xem. Khi làm gốm không sử dụng bàn xoay mà người ta xoay quanh để làm. Sau khi làm xong thì đem nung lộ thiên, chất củi và gốm ngoài sân, đốt lên nung chứ không sử dụng lò. Khi nung xong vì không kiểm soát được độ lửa nên sẽ có chỗ đỏ đẹp, chỗ bị nám đen. Lúc này người ta mới dùng nhựa cây quét lên để có màu đen bóng đẹp. Được mục sở thị tại chỗ là 1 ấn tượng rất sâu đậm. Chính vì vậy mà với cái bình hình con cá quẫy đuôi tôi mua đem về để chuẩn bị chưng hoa ở nhà mới, những người ở nhà nếu chỉ nhìn cái bình đen đủi sẽ thấy nó xấu xí chẳng có gì đẹp, còn tôi lại thấy ở nó 1 điều rất đáng trân trọng, rất giá trị, và để tạo hình như thế là 1 sự khéo léo đáng ngưỡng mộ. Lớp gốm rất dày tạo cảm giác nếu làm rớt chắc không bể, nghe những người khác cũng nói thế nhưng tôi chưa có dịp thử điều này. :D
Làng dệt Mỹ Nghiệp đón chúng tôi cũng rất đìu hiu. Trước khi tới những nơi này, chỉ mới nghe chữ "Làng" trong đầu tôi mường tượng hắn nó là 1 cái làng rất xôm tụ thật. Ắt hẳn phải ít nhất là chục căn nhà với kiến trúc chăm vây quanh nhau và cùng trình diễn cũng như trưng bày những món đồ thủ công đặc sắc. Nhưng thật sự đấy chỉ là 1 căn nhà bình thường trong 1 xóm làng cũng bình thường y như của người Kinh, cũng là những con đường còn quê mùa như các tỉnh lẻ khác. Thật sự tôi có chút bối rối và thất vọng với chính cái từ 'Làng" mà mình kỳ vọng quá nhiều.
Được an ủi chút ít là ở cơ sở dệt Mỹ Nghiệp này đồng thời cũng chính là nhà của em trai ông Chế Linh. Dù không hâm mộ hay nghe ông này hát nhiều nhưng tôi cũng phải ấn tượng với sự giống nhau khá nhiều giữa 2 anh em ông. Bức ảnh ông em trai treo trên cây cột giữa nhà mới đầu còn làm tôi lầm tưởng ông Chế Linh. Tuy nhiên chúng tôi đã không gặp may khi nghe nói rằng hôm đó ông em đã đi vào Làng có việc. Ồ, đi vào làng ư? Vậy hẳn còn 1 nơi chính xác là làng hơn ư? Thế thì dù sao cũng còn 1 điểm để sau này tôi quay lại nơi đây khám phá cho rõ ràng 1 ngôi làng của người Chăm ...
Kết thúc chuyến tham quan làng nghề xong cũng là lúc chuyến đi Ninh Chữ - Vĩnh Hy kết thúc. Chúng tôi lại rong ruổi trên quãng đường khá dài để trở lại với nhịp sống của Sài Gòn hoa lệ. Và vẫn còn nghe đâu đây tiếng sóng biển rì rào, rì rào ...
Angie,
26/12/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét