Buổi sáng vừa bước ra sân đã thấy nắng vàng ươm con phố. Nắng chao
chát con đường, ôi sao mà nắng quá, nắng đến mức nhìn đường đi thấy vàng con
mắt. Thật không hổ danh là mùa hè miền Trung đỏ lửa.
Mới sáng sớm thì làm gì nhỉ? Lại làng quàng phố cổ thôi chứ sao
nữa! :D
Chúng tôi chạy xe đến đoạn đầu phố cổ. Nói thêm 1 chút về dịch vụ
cho thuê xe ở đây, rất rẻ: 70k/ngày/xe số, 90k/ngày/xe ga. Mà thậm chí 1 ngày
tức là đến sáng hôm sau mới trả xe vẫn được. Trời ơi rẻ quá đi.
Ban ngày họ chặn đường lại, có bảng cấm xe máy vào phố cổ. Vậy là
chúng tôi tìm chỗ gửi xe, có 1 chỗ ngay gần nhà thờ tộc Trần. Gửi xe xong,
chúng tôi thong thả đi trên vỉa hè lát đá dẫn lối về phố cổ. Dòng người đông
đúc hơn. Những bà những mẹ cũng vội vã hơn. Có lẽ họ vừa đi ra từ chợ Hội An
nằm phía cuối phố cổ gần bờ sông. Đêm qua chúng tôi đã đi ngang ngôi chợ đó
nhưng không thể chụp hình được vì quá tối. Ban đêm cả khu chợ im lìm vắng lặng
chìm trong 1 màu tối buồn thiu và hiu hắt.
Chúng tôi tìm đến số 87 Trần Phú để ăn món cao lầu nổi tiếng ở
tiệm ăn Trung Bắc. Đó là 1 ngôi nhà cổ, bên trong hơi tối, nằm trên con phố
cong cong có rất nhiều ngôi nhà đặc trưng phố cổ. Nhưng chúng tôi lại tiếp tục
không được may mắn: hôm nay tiệm ăn đóng cửa. Xui rồi, thế đành phải tìm món
khác mà măm măm thôi, đói rã ruột rồi. Chúng tôi rẽ vào 1 con ngõ nhỏ xíu với
con đường uốn quanh rêu phong phủ tường để măm măm món cao lầu và bông hồng
trắng của nhà hàng Vườn Xưa. Món cao lầu ngon, bông hồng trắng cũng ngon. Thật
ra bông hồng trắng là tên gọi khác của món bánh vạc. Do nhìn hình thù giống
hình bông hồng nên người dân gọi thế cho hay. Mà thật ra cũng chỉ những tiệm ăn
hơi lớn 1 chút và bán cho khách du lịch mới để tên này, chứ người dân bản địa nhiều
người cũng chẳng biết bông hồng trắng là món gì.
Chúng tôi ra bến sông. Đây là con sông Hoài chảy qua phố thị.
Nhánh sông khúc ở phố cổ này không rộng lắm. Từ bờ bên này ngó qua bờ bên kia
hẹp như kênh Thị Nghè vậy. Dòng nước cứ lững lờ trôi. Là con sông làm cho phố
thị bớt nhộn nhạo? Hay là vì phố thị quá yên bình nên con sông cũng chẳng cần
vội vã chi?
Chúng tôi ghé lại Chùa Cầu. Đây là 1 điểm nổi bật của Hội An, là
biểu tượng của mảnh đất này. Chùa Cầu mà tôi đọc trong sách của Trần Thu Trang
, cuốn "Phải lấy người như anh" hiện lên hơi khác với trí tưởng
tượng. Trong suy nghĩ của tôi ắt hẳn đó phải là 1 nơi đông đúc, và dài lắm,
chạy suốt từ bên này qua bên kia cầu là biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc tuôn
trào rồi. Khi thực sự đứng trước Chùa Cầu, tôi có đôi chút ngỡ ngàng. Ơ, Chùa
Cầu đây ư? Sao bé tẹo thế này? Tôi không nghĩ nhân vật nữ đã chạy băng qua chỗ
này để trốn nhân vật nam, lặng lẽ đứng trên đó với bao nhiêu bóng thời gian đi
qua, bao nhiêu cảm xúc ùa về, bao nhiêu là tủi hờn mong nhớ, cứ như cả 1 quãng
đời mấy năm trôi qua mà cái chốn ấy lại chỉ có 1 đoạn ngắn đi chục bước chân là
hết thế này! Đúng là trong trí tưởng tượng thì cái gì cũng trở nên nở to hơn,
vĩ đại hơn bình thường rất nhiều!
Để cho sự hụt hẫng ban đầu trôi đi nhè nhẹ như gió thoảng, tôi bắt
tâm trí mình quay trở lại với thực tế tuy không được như mong ước nhưng cũng đã
là 1 sự hài lòng. Chùa Cầu uy nghiêm hiện ra đó, mang dáng vẻ rất cổ kính và
phong cách còn đậm dấu ấn Nhật Bản, xứng đáng là điểm nhấn cho khu phố cổ ôm ấp
trong lòng. Đây là 1 cây cầu nhỏ bắc ngang qua 1 con kênh cũng bé tí. Cầu được
lợp mái ngói che mưa nắng, thành cầu là 1 hàng rào gỗ cao gần quá đầu người.
Sàn được lót gỗ, đi bên trong khá tối nhưng mát mẻ. Toàn bộ Chùa Cầu được sơn
đỏ mà màu sơn theo năm tháng đã phai nhạt đi khá nhiều, ắt hẳn ngày xưa nơi này
phải đẹp lắm. Trên cầu có thờ những con vật choàng khăn đỏ, tôi không rõ lắm
nhưng có lẽ đó là những linh vật. Bước qua đầu bên kia cầu lại là 1 con phố
không dài lắm. Tuy nhiên, khác với bên này cầu là nơi nhộn nhịp buôn bán với
đông đúc khách du lịch, bên kia cầu có 1 vẻ yên ắng hơn. Cũng là các hàng bán
đồ lưu niệm, quần áo ... nhưng rất ít khách tham quan, cảm giác như đoạn phố
này là khúc ruột thừa, là nơi khuất nẻo của phố cổ vậy. Có lẽ vì thế mà giá cả
ở đây xem ra rẻ hơn bên kia phố 1 chút, và các chị bán hàng cũng xởi lởi, dễ
chịu hơn. Chúng tôi đã mua kha khá quà tặng ở quầy của 1 chị dễ tính và chịu
mặc cả kinh khủng, cảm giác như thể chúng tôi đã mua được những món đồ với giá
rất hời.
Chúng tôi đi ngang Hội An Thư quán, cũng là 1 ngôi nhà gỗ cổ mang
đậm phong cách Tàu nhưng không ghé vào, cũng như những ngôi nhà cổ dành cho du
khách tham quan khác. Không hiểu sao nhưng cái không khí xưa cũ buồn bã trong
những ngôi nhà đó không làm chúng tôi thấy hứng thú cho lắm.
Buổi trưa đứng bóng, phố cổ đã nghỉ ngơi, hàng quán thì vẫn bày ra
đấy nhưng không thấy người đâu, họ đã vào nhà nghỉ trưa rồi ư? Phố im lìm trong
1 không gian tĩnh mịch , với những đoạn phố dài nắng đến mê người, hoặc những
đoạn phố với cả 1 hàng dài cây bàng xanh mắt, bóng nắng nhảy nhót qua từng khe
lá rớt vương vãi xuống mặt đường ... Bên kia phố là ngôi nhà có bức tường vàng
ẩn hiện thấp thoáng trong giàn hoa giấy tím phủ kín mái hiên che đi cái nắng
rực rỡ. Phố ngủ, người ngủ, nhịp sống như ngừng lại, hít thở nhè nhẹ theo con
buồn ngủ đang lơ đãng vờn quanh ...
Một góc đường có nhiều quán gánh hàng rong đang tụ tập, họ bán tàu
hũ đá đường và thạch rau câu. Ở đây người ta không bỏ vào ly mà bỏ vào cái tô
nhỡ, nhìn là muốn no con mắt luôn. Bát tàu hũ mát lạnh, ăn đến đâu mát lạnh đến
đấy, ăn xong 1 bát đấy là thấy no cái bụng rồi ...
Ngân và bạn trai vào Hội An tụ nhóm. Rồi bốn đứa cùng chạy ra biển
Cửa Đại cách đấy khoảng chừng 5 - 6km. Con đường ra biển mang đậm chất làng
quê, với 2 bên là hàng dừa cao vút, trên đường luôn có lác đác 1 vài khách du
lịch Tây đạp xe chạy ngược chiều. Ắt hẳn là họ vừa tắm biển về. Gió thổi hun
hút, trên đầu chúng tôi, bầu trời đang kéo mây đen ...
Biển Cửa Đại khá đẹp. Chúng tôi phải gửi xe cách đó 50m rồi mới
lững thững đi bộ xuống phía biển. Nhìn xa xa trước mặt biển là những ngọn núi
xanh mờ. Không rõ có phải chính những ngọn núi này chắn sóng cho biển hay
không, nhưng biển ở đây không có sóng lớn. Độ dốc cũng khá chứ không phải đùa
đâu nhé, vì màu nước xanh đậm và ra xa chút xíu là ngập cả người rồi.
Chúng tôi ở trên bờ ngắm biển. Trên trời đang hiện ra 1 vòng cầu
vồng rất lớn và rõ nét, nối từ bờ ra ngoài xa biển, nhìn cứ có cảm giác như nó
đang nối đến hòn đảo ngoài khơi kia vậy. Hôm nay biển khá đông, có nhiều nhóm
học sinh lớp 12 tụ tập ra đây chơi khi vừa kết thúc lễ tổng kết cuối năm để
chuẩn bị nghỉ hè. Những tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi bạn í ới vang động 1
góc bờ biển. Cũng từ cuốn sách của TTT mà tôi rất muốn ra biển Cửa Đại 1 lần cho
biết. Và khi đến rồi, dù biển Cửa Đại mang đến cho tôi 1 nỗi buồn man mác,
nhưng hãy cứ enjoy nó đi, hít căng đầy lồng ngực và rồi được tan ra trong cái
cảm xúc đã có được dù chưa đặt chân đến nơi này.
Chúng tôi quyết định quay lại quán cơm gà Bà Buội để ăn tối. Công
bằng mà nói, cơm gà ở đây ngon, nước gà không bị béo mỡ như quán vỉa hè đã ăn
hôm trước, nhưng về cảm giác, rõ ràng tôi và Thư B đều cảm thấy dĩa cơm hôm
trước ngon hơn nhiều. Có thể vì lúc đó chúng tôi đang đói ngấu, và cũng có thể
do đó là món ăn đầu tiên trên đất Hội An này mà chúng tôi được nếm thử. Đối với
riêng tôi, tôi vẫn thích cái quán vỉa hè kia hơn.
Nhân nói chuyện ăn uống, nói thêm 1 chút về món ăn ở đây. Họ có 1
thứ mà đi bất cứ quán nào cũng thấy để sẵn trên bàn: lọ ớt sa tế kiểu miền
Trung, hơi ngọt nhưng vị lạ lạ ăn rất ngon, đặc biệt là khi ăn cùng với món cơm
gà. Ớt sa tế này không cay nên ăn thoải mái. Ở Hội An, Huế, Đà Nẵng, nơi nào
tôi cũng thấy có món gia vị này. Ngoài ra, ở Hội An người ta còn bán 1
loại bánh đậu xanh nướng ăn cũng rất ngon (tuy hơi khát nước :D). Đó là
cái bánh hình tròn nhỏ được làm từ bột đậu xanh , bên trong có nhân thịt, và
đem nướng lên. Bánh khá cứng, nhưng khi ăn trộn lẫn giữa vị ngọt của bánh và vị
mặn của nhân thịt đem đến một cảm giác khá lạ lẫm.
Trở lại với chuyện dạo chơi của chúng tôi, đây đã là đêm cuối cùng
chúng tôi còn ở Hội An, sáng hôm sau chúng tôi sẽ ra Huế, vậy nên chúng tôi cố
gắng tận dụng chút thời gian còn lại để tận hưởng phố cổ hết mức có thể. Thú
thật là ở Hội An chúng tôi cứ dạo tới dạo lui hoài phố cổ mà không biết chán.
Lòng vòng mãi rồi cũng dẫn đến bến sông. Đây là nơi nhộn nhịp nhất
của phố cổ về đêm, rộn ràng như trái tim đang đập của thiếu nữ. Đoạn ngay cây
cầu bắc qua sông, buổi tối trở thành khu ẩm thực khá phong phú. Đó là những
quán hàng tù mù với ngọn đèn bão treo nghiêng, những dãy bàn ghế gỗ thấp lè tè
được rọi sáng cũng bởi 1 ngọn đèn bão đặt trên bàn. Họ bán hột vịt lộn, các món
chè, cao lầu, mì quảng, bánh đập, hến trộn ... Đó là những món ăn đặc sản của
mảnh đất này. Chúng tôi ghé vào 1 hàng chè. Họ có cơ man nào là chè: xí mà phủ,
chè sen, chè bắp, xoa xoa ... Chè ngon! Chỉ mỗi tội ngồi kế bên dòng sông, bình
thường chắc cũng lãng mạn lắm, mà hôm đó thì dòng sông nặng mùi quá :(
Chúng tôi thuê 1 cái thuyền nhỏ để dạo chơi trên sông Hoài thả đèn
hoa đăng. Họ chở đi 1 vòng chút xíu với giá 15.000 đồng. Ngoài ra nếu muốn thả
đèn thì mua đèn người ta bán đầy ra đó với giá 5.000 đồng/đèn.
Tôi có 1 kỷ niệm hú hồn ở nơi đây: sau khi ăn chè xong tôi đứng
dậy đi luôn mà quên mất đang để túi đồ cùng ví tiền trên bàn!!!
Đi hết 1 vòng thuyền dạo sông Hoài rồi, đến khi trả tiền mới sực
nhớ ra, vội vàng lao ngay lại hàng chè! Túi đồ của tôi vẫn còn y nguyên chỗ cũ,
thật là may mắn hết sức. Nếu không thì tôi không còn đồng xu nào để quay lại Saigon luôn chứ đừng nói là ra Huế. Đó cũng chính là kỷ
niệm khiến tôi thêm tin yêu người Hội An chân thật và chất phác.
Và, với Hội An, đương nhiên rồi, tôi chắc chắn còn quay lại!
:)
Angie,
16/04/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét